Việt Nam chính thức khởi động chương trình thí điểm hệ thống Giao dịch phát thải (ETS)
Trong một bước đi quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu Net-Zero năm 2050, Việt Nam đã chính thức triển khai giai đoạn thí điểm của hệ thống giao dịch phát thải (ETS), tập trung vào ba ngành công nghiệp chủ chốt có phát thải lớn: thép, xi măng và nhiệt điện. Giai đoạn thử nghiệm này sẽ kéo dài đến năm 2029, và dự kiến bao phủ khoảng 50% tổng lượng CO₂ phát thải trên toàn quốc.
Ảnh minh họa
Mục đích và cơ chế hoạt động
Theo quyết định của Chính phủ, các doanh nghiệp trong ba ngành công nghiệp nặng này sẽ được cấp hạn ngạch phát thải dựa trên lượng phát thải CO₂ của mỗi đơn vị. Đến cuối năm 2025, các hạn ngạch cho giai đoạn 2025–2026 sẽ được phát hành. Nếu phát thải vượt mức quy định, doanh nghiệp sẽ buộc phải mua tín chỉ carbon trên thị trường. Đặc biệt, họ có thể bù trừ tối đa 30% lượng CO₂ thải bằng tín chỉ từ các dự án phát thải thấp trong và ngoài nước.
Giai đoạn thí điểm: Giám sát và thích nghi
Trong giai đoạn thử nghiệm 2025–2026, tập trung chính là thiết lập hệ thống đo đạc – kiểm kê khí thải (MRV), xây dựng đường cơ sở và báo cáo dữ liệu phát thải. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp làm quen với quy định và thủ tục mới, nhằm tránh gây xáo trộn đột ngột cho hoạt động sản xuất. Như lời chị Mai Dương, chuyên gia phân tích dữ liệu thị trường Carbon từ Veyt chia sẻ:
“Ưu tiên hàng đầu tại thời điểm hiện tại là giúp các doanh nghiệp thích nghi với hệ thống và các cơ sở pháp lý, hơn là việc mang đến những ảnh hưởng tức thì tới môi trường”
Tác động đến doanh nghiệp và thị trường
Việc áp dụng ETS không chỉ là cam kết về 2 yếu tố xã hội – môi trường trong ESG, mà còn là sức ép kinh tế thực thụ. Các ông lớn như VICEM, EVN, Hòa Phát… sẽ buộc phải đầu tư vào các giải pháp như thu hồi nhiệt (WHR), chuyển đổi nhiên liệu, tối ưu hóa quy trình, số hóa và thu CO₂. Đây cũng đồng thời mở ra cơ hội phát triển tín chỉ carbon nội địa, tạo nguồn doanh thu mới từ việc cắt giảm khí thải.
Đặc biệt, hệ thống ETS giúp Việt Nam kết nối với thị trường carbon toàn cầu trong tương lai, từ đó gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn và tài trợ xanh từ các quỹ đầu tư quốc tế.
Hỗ trợ chính sách và tài chính
Thực tế triển khai ETS hiệu quả đòi hỏi bộ khung pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng MRV vững chắc, đào tạo nguồn nhân lực, và đặc biệt là gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp công nghệ xanh. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang phối hợp xây dựng cơ chế tín dụng xanh để đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình triển khai áp dụng hệ thống này.
Với lộ trình bài bản, ETS sẽ từng bước trở thành công cụ định giá carbon, thúc đẩy giảm phát thải, thúc đẩy đổi mới công nghệ và thu hút lượng vốn quốc tế. Kết quả là tạo ra nền kinh tế công nghiệp phát triển theo định hướng bền vững và cạnh tranh toàn cầu.
Kết luận
Việc khởi động thí điểm hệ thống ETS là cột mốc chiến lược cho công cuộc chuyển đổi năng lượng và công nghiệp xanh tại Việt Nam. Nếu triển khai đúng hướng và hiệu quả, ETS sẽ là bàn đạp giúp doanh nghiệp thích ứng và phát triển bền vững, đồng thời đưa Việt Nam vào bản đồ carbon toàn cầu.